Một vùng đất khoa bảng
Post by : NGUT. Nguyễn Thanh Tùng
Nằm ở vùng cuối huyện Nam Đàn, phía hữu ngạn sông Lam, tổng Nam
Hoa, sau đổi thành Nam Kim, nay là vùng Năm Nam, nổi lên mấy làng nhỏ kề nhau:
Trung Cần, Dương Liễu, Hoành Sơn, nay thuộc hai xã Nam Trung và Khánh Sơn tập
trung được những nét văn hóa đặc sắc. Một vùng đất nổi tiếng với những danh lam
thắng cảnh, những di tích lịch sử văn hóa, những danh nhân sớm đi vào lịch sử
của quê hương, đất nước:
Non xanh xanh
nhất
Nước trong
trong vắt
Làng đông đông
nhất
Đỉnh cao cao
ngất
Non ta đâu? Non Hoành Lĩnh tựa lưng
Nước ta đâu? Nước Lam Giang trước mặt
Người ta đâu? Người Nam Kim đất văn vật
Đình ta đâu? Đình Hoành Sơn tu lý tất.
(Phú Đình Hoành Sơn - Đặng Đức Thiện)
Có thể coi đây là một hiện tượng đẹp, minh chứng cho nhận định của học giả
Phan Huy Chú xưa kia về xứ Nghệ trongLịch triều hiến chương loại chí: “Núi
cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh
tiếng hơn cả ở Nam Châu. Người thì thuận hòa mà chăm học, sản vật thì nhiều thứ
quý, của lạ, những vị thần ở núi, ở biển phần nhiều có tiếng linh thiêng. Được
khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền...”.
Một vùng đất khoa bảng: Cũng có thể coi đây là một trong những cái nôi khoa
bảng của huyện Nam Đàn, của xứ Nghệ. Một vùng đất nhỏ, dân số không nhiều mà từ
mấy trăm năm nay đã xuất hiện hàng loạt những nhà khoa bảng, những danh nhân
văn hóa.
Ở xứ Nghệ ta có nhiều làng khoa bảng nổi
tiếng với những dòng họ làm rạng danh quê hương, đem lại niềm tự hào cho làng
cho xóm:
Làng ta khoa bảng thật nhiều
Như cây trên núi, như diều trên
không
Tuy nhiên, ở những làng ấy, phần lớn là do
một họ làm nên khiến cho làng thơm danh, mỗi khi nhắc đến dòng họ lại gắn thêm
tên làng như họ Hồ Quỳnh Đôi, họ Nguyễn Tiên Điền, họ Nguyễn Trường Lưu... và
thường mỗi huyện may lắm cũng chỉ có được một làng có dòng họ nổi tiếng đã lấy
làm tự hào, vinh hạnh. Trong khi đó, ở huyện Nam Đàn nói chung, tổng Nam Kim
nói riêng, nhất là các làng Trung Cần, Dương Liễu, Hoành Sơn đã tập trung nhiều
dòng họ đều thuộc loại Khoa danh hiển hoạn. Cứ nghĩ cách đây hàng
mấy trăm năm, ở một vùng quê hẻo lánh, đi lại khó khăn, mấy làng nhỏ này dân số
chưa nhiều mà mỗi làng có đến vài ba dòng họ với hàng mấy chục người đã đỗ đạt
thành danh, trong đó có hàng chục người đỗ đại khoa thì thật đáng khâm phục.
Mở đầu cho con đường khoa
hoạn của các làng này là các ông:
- Nguyễn Thiện Chương người làng Hoành Sơn,
18 tuổi đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Quang
Thuận 10 (1469) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hữu thị lang Phó đô ngự
sử.
- Tống Tất Thắng người làng Trung Cần, 18
tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu (1505) đời Lê Uy Mục,
làm quan đến Lại bộ thượng thư Nhập nội hành khiển tước nghĩa quận công.
- Chu Quang Trứ người làng Hoành Sơn, 25 tuổi
đỗ Đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Giáp Thìn, niên hiệu
Thuận Bính 6 (1554) đời Lê Trung Tông, làm quan đến chức Giám sát ngự sử.
Liên tiếp sau đó, nhiều người đỗ đại khoa,
trung khoa đều xuất thân trong một gia đình, gia tộc đã làm rạng danh dòng họ,
quê hương. Đó là dòng họ Nguyễn Trọng với ba cha con, chú cháu, ông cháu Nguyễn
Trọng Thường, con là Nguyễn Trọng Đương, cháu nội là Nguyễn Trọng Đường (gọi
Nguyễn Trọng Đương bằng chú ruột) đều đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và
đều làm quan thời Hậu Lê dưới các triều vua Lê Dụ Tông, Lê Hiển Tông. Trong đó
hai chú cháu Nguyễn Trọng Đương và Nguyễn Trọng Đường đều làm quan cùng triều
Lê Hiển Tông nức tiếng Thúc điệt đồng triều.
Điều đáng chú ý là cả ba ông cháu, cha con,
chú cháu dù ở các thời kỳ khác nhau nhưng đều được cử đi sứ nhà Thanh bên Trung
Quốc, có người năm lần được cử đi sứ, mỗi lần sang đi sứ là một lần được vua
nhà Thanh gắn một bông hoa vàng. Vì thế mà họ Nguyễn Trọng: Tam thế ngũ
hoàng hoa, làm rạng danh quốc thể, được ghi chép trong sử sách cả hai
nước:
Quốc thể ngũ hoa trùng cống phỉ
Thư hương tam thế ngũ hoàng hoa
(Năm lần đi sứ rạng danh quốc thể
Ba đời nghiên bút rõ mạch thư hương)
Nhất môn hàn mặc truyền thi lễ
Lưỡng quốc giang sơn chí tính danh
(Một nhà nghiên bút nối dõi nho gia
Sử sách hai nước ghi chép tên tuổi)
Làng Trung Cần còn có dòng họ Nguyễn Văn mà
tiêu biểu là Nguyễn Văn Giao đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh, nhị danh
(Thám hoa thứ hai). Cháu họ Nguyễn Văn Giao là Nguyễn Hữu Lập đỗ Đình Nguyên -
Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp).
Trong họ còn có Nguyễn Tư Tái đỗ Phó bảng.
Các ông đều làm quan to, giữ nhiều chức lớn dưới các triều vua nhà Nguyễn, cũng
được coi là dòng họ Tam thế kế đại khoa vừa là Song
nguyên tiến sĩ.
Cũng ở làng Trung Cần còn có Lê Bá Hoan đỗ Đệ
tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân...
Còn những người đỗ trung khoa trong các dòng
họ này, trong làng này thì rất nhiều, đã góp phần làm rạng rỡ gia thanh như
Nguyễn Trọng Dực, anh Nguyễn Văn Giao; rồi Nguyễn Chương Đạt, Nguyễn Trọng
Lượng, Nguyễn Trọng Thiều, cha con ông cháu Lê Nguyễn Trung, Lê Nguyễn Thứ, Lê
Bá Đôn (cha tiến sĩ Lê Bá Hoan), Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Khái.v.v...
Bên cạnh làng Trung Cần là làng Dương Liễu
cũng thuộc xã Nam Trung ngày nay, tuy không nhiều, không đậm đặc như ở làng
Trung Cần nhưng vẫn có người đỗ đại khoa như Nguyễn Xuân Thưởng đỗ Phó bảng;
những người đỗ trung khoa như Nguyễn Côn, Lê Trọng Tiến, Trần Văn Vĩnh, Nguyễn
Xuân Sưởng...
Bên cạnh làng Trung Cần là làng Hoành Sơn,
nay thuộc xã Khánh Sơn mà có thời sau Cách mạng tháng Tám 1945, các làng này
đều cùng thuộc xã Tân Hợp, cũng là một làng tập hợp được những dòng họ khoa
bảng với nhiều người nổi tiếng mà mở đầu cho con đường khoa hoạn ở làng này là
Nguyễn Thiện Chương, Chu Quang Trứ, những tiến sĩ đời Hậu Lê như đã nói ở trên.
Tiếp đến là dòng họ Nguyễn Đức mà tiêu biểu
là Nguyễn Đức Đạt đỗ Thám hoa thứ nhất, Nguyễn Đức Quý đỗ Hoàng giáp, Nguyễn
Đức Vận đỗ Phó bảng đều làm quan lớn ở các triều vua nhà Nguyễn. Số người đỗ
trung khoa ở làng Hoành Sơn cũng không phải là ít, đó là: Nguyễn Hảo và Nguyễn
Hải đều con tiến sĩ Nguyễn Thiện Chương; Nguyễn Đức Hiển, cha của thám hoa
Nguyễn Đức Đạt; Nguyễn Đức Diệu, cha của Hoàng Giáp Nguyễn Đức Quý, chú của
Thám hoa Nguyễn Đức Đạt; Nguyễn Đức Huy, em Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, anh họ
Hoàng Giáp Nguyễn Đức Quý; Nguyễn Đức Đâng, con thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn
Đức Quý con Nguyễn Đức Huy; rồi Nguyễn Hoàng, Nguyễn Trọng Quát, Nguyễn Xuân
Thiều, Tạ Quang Oánh, Tạ Quang Điểm - cha của nhà khoa học lỗi lạc, Bộ trưởng
Tạ Quang Bửu và Tạ Quang Đệ - nhà báo có tiếng Quang Đạm sau này. Theo thống kê
thì trong thời Hậu Lê đến hết đời Nguyễn, những người đỗ đại khoa ở vùng này
đối với huyện Nam Đàn là 20/36 và những người đỗ trung khoa là 29/97. Mặc dù
chưa đầy đủ nhưng chúng ta đã thấy phần nào sự rực rỡ của một vùng khoa bảng
nức tiếng gần xa, của một vùng đất phát nhân tài, chưa kể các làng
khác, các làng xung quanh trong tổng Nam Kim cũng nhiều người đỗ đạt.
Đó là kết quả của một quá trình
khổ học, khổ luyện trong truyền thống hiếu học của những học sinh con nhà nghèo
như câu đối dân gian:
Sớm khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa
Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà
Như giai thoại về đôi câu đối của Nguyễn Đức
Đạt và Nguyễn Văn Giao: sau khi hai ông cùng đỗ Thám hoa trong cùng một khoa
thi, Nguyễn Đức Đạt đến chơi nhà Nguyễn Văn Giao đang kỳ thu hoạch đậu, thấy
nhà Nguyễn Văn Giao, trong nhà, ngoài sân, nơi nào cũng có đậu, liền đọc một vế
câu đối:
- Trong nhà đậu, ngoài sân đậu, cha
thi đậu, con học đậu.
Thi vân: đa đậu thi chi vị
dã
Nguyễn Văn Giao nhìn ra
ngoài sân thấy hàng dâm bụt đang nở hoa liền đọc:
- Trên cây hoa, dưới gốc hoa, bác
vinh hoa, tôi Thám hoa.
Thi vân: trùng
hoa bất diệc nghi hồ
Ở vùng này, dòng họ nào cũng có
thể tự hào về danh giá của họ mình: Nếu họ Nguyễn Trọng tự hào về Tam
thế ngũ hoàng hoa và Thúc điệt đồng triều thì họ
Nguyễn Văn lại tự hào Tam thế kế đại khoa và Song
nguyên tiến sĩ; con cháu cụ Lê Nguyên Trung lại tự hào về Ngũ
thế kế khoa, họ Tạ lại tự hào về Phụ giáo tử đăng khoa và Cử
nhân tại quán...
Trong các triều đại phong kiến trước kia,
khoa bảng là cơ sở để chọn nhân tài cho đất nước. Từ đó, vùng đất này đã trở
thành vùng đất của những quan lại, nhưng nhiều kẻ sĩ ở đây học, thi với mục
đích không phải để làm quan mà còn vì mục đích lớn hơn như Nguyễn Đức Đạt từng
viết: Người quân tử học là vì mình, học không phải để làm quan, sự học
vì mình thì học suốt đời, còn kẻ nào học để làm quan, chưa làm quan thì học,
được làm quan rồi thì không học nữa(1); ông cũng khẳng định: làm
quan không phải để làm giàu Vinh thân phì gia (Nho giả phi mưu
thực). Điều này, thức giả cùng thời đầu có chung quan niệm như La Sơn phu tử
Nguyễn Thiếp ở huyện La Sơn coi chức tước chỉ là danh hờ làm khổ ta và Thế
sự không gì bằng đọc sách và cày ruộng. Tuy nhiên, khi họ đã ra làm quan
thì lại hết lòng vì công việc, đem lại lợi ích cho dân, cho nước. Họ là những
nhà ngoại giao xuất sắc từng được ghi vào sử sách hai nước. Họ là những thị
giảng, đối học, tu thư... đã phát huy trí tuệ, sức lực của mình làm trọn phận
sự, nhưng hễ có thời cơ là quay lại con đường đọc sách, dạy học, làm thuốc và
cày ruộng. Đó là quan niệm chung của các trí thức thời bấy giờ: Tiến vi
quan thoái vi sư; tiến vi quan thoái vi y như thầy thuốc như Tô Lâm,
Nguyễn Như Hiền, anh của Thám hoa Nguyễn Văn Giao. Đặc biệt là trở lại với nghề
dạy học, mở đầu cho nghề dạy học lẫy lừng ở vùng này là Nguyễn Thiện Chương ở
Nam Hoa thượng, trong những năm đầu thế kỷ XV, đậu Tiến sĩ lúc mới 18 tuổi, làm
quan đến Lại bộ thị lang phó đô ngự sử, nhưng năm 33 tuổi ông đã từ quan về mở
trường dạy học. Học trò xa gần có đến hàng trăm người về theo học và nhiều
người thành đạt.
Nguyễn Văn Giao sinh năm 1811 cũng ở Nam Hoa
thượng, nay là xã Nam Trung, thông minh học giỏi nhưng bị nghi oan mà bị tù, bị
án chung thân bất đắc ứng thí, ông làm nghề dạy học. Học trò khắp
nơi không chỉ có ở trong tỉnh mà học trò ở Hương Sơn, Đức Thọ (Hà Tĩnh) theo
học rất đông. Trong số đó có nhiều người thành đạt.
Khi được lệnh án xá được đi thi, năm ấy,
Nguyễn Văn Giao đã 41 tuổi, dự thi Hương đậu giải Nguyên, năm sau vào thi Hội
đậu Hội nguyên và thi Đình cụ đậu Thám hoa. Triều đình xuống chiếu triệu cụ vào
kinh cho ở Viện nội các, chuyên làm sách nhưng viện cớ mẹ già, bản thân đau
yếu, xin ở nhà mở trường dạy học. Bao nhiêu học trò thành đạt và các tác phẩm
xuất sắc ra đời tại đây.
Nhưng nói về sự nghiệp dạy học ở
vùng này không thể không nói đến danh sư Nguyễn Đức Đạt. Về học vấn, từ nhỏ ông
đã nổi tiếng thông minh, uyên bác, 29 tuổi đã đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ đệ tam
danh tức Thám hoa, mà là Thám nhất. Thi đỗ, hoạn lộ rộng mở nhưng ông chỉ làm
quan có mấy năm rồi kiếm cớ xin về mở trường dạy học. Học vấn và đức độ của ông
đã thu hút sĩ tử xa gần đến thụ giáo đông đến mức trong nhà không đủ chỗ, thầy
phải dời trường lên núi Nam Sơn gần nhà, lợi dụng những bậc đá cao thấp làm bàn
ghế. Những buổi bình văn, học sinh gần xa có đến hàng nghìn người kéo đến thụ
giáo.
Học
sinh đã gọi trường của thầy là trường Nam Sơn mà thầy là Nam Sơn
chủ nhân. Để dạy học tốt, thầy đã soạn giáo trình như: Nam Sơn
song khóa phú tuyên, Nam Sơn song khóa chế nghĩa, Nam Sơn tùy thoại. Thầy
thuộc trong số rất ít người dạy học có quan điểm đúng đắn, phương pháp khoa học
với tấm gương đạo đức tư cách trong sáng mẫu mực. Nhờ thế mà thầy đã đào tạo
nên rất nhiều học trò thành đạt danh tiếng. Vì vậy, sau khi thầy mất, học trò
đã dựng từ đường để thờ thầy, trong đó có những bức đại tự Vạn thế
trạch, Đại khoa môn và nhiều câu đối, trong đó có câu:
Thọ khảo tác nhân, Nam Sơn thảo đường trạch
vạn thế
Văn chương minh quốc, Hồng Lĩnh ngô châu đệ
nhất phong
(Suốt đời đào tạo nên bao người, ơn muôn đời
ngôi nhà ở núi Nam Sơn
Văn chương nổi tiếng khắp cả nước, một ngọn
núi cao ở châu tà Hồng Lĩnh)
Không chỉ dạy học, họ còn là những nhà trước
tác với những tác phẩm triết học, sử học, văn thơ...
Lê
Nguyên Trung với tác phẩm “Chí trai văn thi tập” và có bài trong Bách
khoa tạ biểu.
Nguyễn Hữu Lập từng chép Truyện Kiều chữ Nôm và
có những tác phẩm Văn sách thi đình, Đăng Hoàng hạc lâm ký Thi
pháp tắc lệ.
Lê Bá
Đôn với việc kiểm duyệt Khâm định Việt sử phú Nguyễn Văn Giao
từng để lại các tác phẩm viết về lịch sử, văn học, khoa cử, ngữ ngôn. Ngoài ra
còn có Vạn tự ngôn, Vinh sử phú, Sử lãm kỷ yếu, Đụng nhân luận, Tân
lang truyện, Bút canh thi, Mặc quả thi, Thưởng lãm thi tập bát thập thủ, Thu dạ
đối nguyệt ngâm...
Nguyễn
Đức Đạt ngoài những tác phẩm về dạy học nói trên còn có: Đông hiệu hà
dạ tập, Hồ dạy thi vinh sử thi tập, Việt sử thăng bình, Cần kiệm vững biên...
Còn
nhiều tác phẩm văn thơ, câu đối của các sĩ phu ở các làng trên trong tổng Nam
Kim nói chung mà chúng ta chưa có điều kiện sưu tầm, biên tập nhưng cũng đã
chứng tỏ cái nôi văn hóa ở đây thật đáng khâm phục, ngợi ca.
Địa
linh đã sinh ra nhân kiệt và ngược lại, những người con ưu tú của các làng xã
trên đã làm rạng danh quê hương bằng các học hàm, học vị, các danh thơm trong
trường văn, trận bút mà còn góp phần tô đẹp quê hương bằng việc bỏ công sức,
tiền của xây dựng nên những công trình kiến trúc văn hóa như đình Hoành Sơn,
đình Trung Cần, bia Tống Tất Thắng, bia Tam đại Hoàng Hoa, bia Võ hội làng
Trung Cần, bia mộ Nguyễn Thúc Kiều...
Có thể
nói rằng, suốt mấy trăm năm từ đời Hậu Lê cho đến các triều đại nhà Nguyễn,
vùng đất này đã nở rộ những tài năng từ những dòng họ có thể coi là những thế
tộc đã kế tiếp nhau xây nên những truyền thống khổ học, khổ luyện thành tài,
giúp ích cho đất nước, làm rạng rỡ quê hương. Truyền thống đó vẫn được giữ vững
và phát huy cho đến sau này dưới chính thể mới trong suốt quá trình bảo vệ và
xây dựng đất nước. Con cháu những dòng họ ở vùng đất này đã noi gương các bậc
tiền bối kịp thời có mặt ở những nơi Tổ quốc cần, tiêu biểu là các ông Nguyễn
Tiềm, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Nghệ An; Nguyễn Trọng Cảnh, tức Trần Quốc
Hoàn, Bộ trưởng Công an đầu tiên và lâu dài của đất nước; Nhà khoa học xuất
sắc, nhà quản lý tài ba Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, em ông là Tạ Quang Độ, nhà báo
lão thành có uy tín trong làng báo Việt Nam, tức nhà báo Quang Đạm và con ông
là Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc. Ngoài ra, còn nhiều nhà khoa học, nhà nghệ sĩ, nhà
giáo, nhiều cán bộ cao cấp trong quân đội và trong các cơ quan nhà nước.
Chỉ một vùng đất nhỏ ở tổng Nam Kim trong huyện Nam Đàn mà đã
hội tụ bao nhiêu hào kiệt, danh nhân đủ thấy quê hương Nam Đàn, mở rộng ra là
quê hương xứ Nghệ ta thật đáng tự hào về mảnh đất giang sơn chung tú
khí, tự cổ đa hào kiệt, đa danh sĩ đang ngày ngày phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét