Thầy của những giáo sư
toán học
Thầy Tôn Thất Thân (giữa)
cùng vợ chồng Ngô Bảo Châu (trái) và vợ chồng Vũ Hà Văn
Đằng sau những tên tuổi toán học lừng lẫy như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ
Hà Văn, TS Hoàng Lê Minh... là một người thầy xuất thân từ giáo viên dạy... văn. Đó là PGS-TS-NGND Tôn Thất Thân, người có công
phát hiện và bồi dưỡng thuở ban đầu những tài năng toán học.
Ban đầu là một giáo viên dạy văn, sau đó mới rẽ ngang dạy toán. Bây giờ nhìn lại, thầy thấy “cái duyên” ấy như thế nào?
Hồi còn là học sinh (HS) phổ thông, tôi học các
môn đều tốt, nhất là văn và toán. Vì vậy, mặc dù đang dạy văn nhưng do nhà
trường thiếu giáo viên toán, tôi đã chuyển sang dạy toán mà không gặp trở ngại
gì. Tất nhiên sau đó phải tự học rất nhiều. Hồi đó (năm 1962), đội ngũ giáo
viên còn thiếu và không đồng bộ, lại không được đào tạo bài bản như bây giờ,
nên việc dạy "chéo môn" không phải là hiếm. Đã từng dạy văn rồi
chuyển sang dạy toán, tôi có thuận lợi trong việc truyền cảm hứng học tập cho
các em, làm cho giờ học toán trở nên sinh động, hấp dẫn hơn, đặc biệt là khơi
dậy được trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo cho HS. Tôi rất tâm đắc câu nói
của Einstein: "Logic đưa anh từ điểm A tới điểm B, còn trí tưởng tượng sẽ
đưa anh tới mọi nơi".
Từng ươm mầm nhiều tài năng toán học, thầy dựa vào
điểm nào để phát hiện ra những “viên ngọc thô” như thế? Và phải mài giũa, bồi
dưỡng theo cách nào để họ trở thành những viên ngọc sáng?
Tôi thường phát hiện HS có năng khiếu về toán
dựa trên các dấu hiệu: say mê học toán, làm toán không biết mệt, học toán một
cách nhẹ nhàng; có suy nghĩ riêng của mình không phụ thuộc vào người khác; luôn
có ý thức tìm tòi nhiều cách giải và lựa chọn cách tối ưu, không chùn bước, nản
chí trước những bài toán khó, chú ý đào sâu khai thác thêm các kết quả mới;
trung thực, hợp tác với các bạn trong quá trình chiếm lĩnh kiến thức.
Bồi dưỡng những em có năng khiếu toán không phải
bằng cách nhồi nhét thật nhiều kiến thức và kỹ năng giải toán mà cần tập trung
vào rèn luyện khả năng làm việc và suy nghĩ độc lập, phát triển tư duy sáng tạo
và tư duy phản biện cho HS.
Có những câu chuyện thầy bảo vệ HS khi phát hiện
họ có năng khiếu về toán. Hay ngược lại, bảo vệ một HS không có khả năng tiến
xa hơn về toán rẽ sang con đường khác...
Tôi vẫn nghĩ mỗi HS đều có những khả năng nhất
định, không ở lĩnh vực này thì ở lĩnh vực khác. Điều quan trọng đối với giáo
viên và cha mẹ là phát hiện đúng những năng lực tiềm ẩn của mỗi em và có biện
pháp phát triển đúng hướng những năng lực đó. Einstein từng nói: "Mỗi
người là một thiên tài. Nhưng nếu bạn cứ phán xét một con cá dựa trên khả năng
biết trèo cây, bạn sẽ làm con cá sống cả đời với niềm tin rằng nó là kẻ
ngốc".
Trong xã hội ngày nay, thầy nghĩ cần phải làm thế
nào để nghề giáo được trọng thị hơn?
Tôi nghĩ cần có 2 điều. Thứ nhất, mỗi nhà giáo
cần giữ đúng tư cách của người thầy, giáo dục HS bằng tấm gương trong sáng của
chính mình. Thứ hai, cả xã hội phải là một môi trường giáo dục lành mạnh, các
chuẩn mực giáo dục phải được thể hiện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoạt động của
xã hội.
Theo : Đăng
Nguyên http://thanhnien.vn/giao-duc/thay-cua-nhung-giao-su-toan-hoc-636385.html
LỜI CỦA GS NGÔ BẢO CHÂU :
Những giờ
học của thầy thật quý báu . Em có nhiều suy nghĩ về việc học toán, dạy toán. Em
hay nhớ lại những giờ học của thầy. Có điều kiện học thêm và tiếp xúc với các
nhà toán học lớn, em càng thấm thía những giờ học của thầy thật quý báu...
Trong những giờ học của thầy, học sinh tìm được cái quan trọng, quý giá nhất. Vẻ
đẹp của toán học không nằm trong những lời giải cầu kỳ mà ở sự diễn đạt trong
sáng, mạch lạc những vấn đề tưởng như rắc rối...
(Trích
thư GS Ngô Bảo Châu gửi NGND Tôn Thất Thân ngày 15.3.1995)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét